Mô tả
Thuốc NUVARING dùng tránh thai
THUỐC NUVARING
Thành phần: ETONOGESTREL, ETHINYLESTRADIOL
Đóng gói: Hộp 1 túi
Chỉ định: Tránh thai
Chống chỉ định:
Không được dùng NuvaRing khi có bất kỳ tình huống nào được liệt kê dưới đây. Nếu có tình huống nào xuất hiện lần đầu tiên trong khi dùng NuvaRing, cần phải lấy ra ngay.
* Hiện có hoặc có tiền sử huyết khối tĩnh mạch, có kèm hoặc không nghẽn mạch phổi.
* Hiện có hoặc có tiền sử huyết khối động mạch (ví dụ tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim) hoặc tiền triệu huyết khối (ví dụ đau thắt ngực hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua).
* Đã biết có những yếu tố có khuynh hướng gây huyết khối tĩnh mạch hoặc động mạch, có hoặc không liên quan đến di truyền như có kháng Protein C hoạt hóa (APC: Activated Protein C), thiếu antithrombin III, thiếu protein C, thiếu protein S, tăng homocystein trong máu và các kháng thể kháng phospholipid (kháng thể kháng cardiolipin, lupus chống đông).
* Tiền sử đau nửa đầu kèm triệu chứng thần kinh ổ.
* Đái tháo đường có tổn thương mạch máu.
* Hiện có các yếu tố nguy cơ nhiều và nặng đối với huyết khối tĩnh mạch và động mạch cũng có thể chống chỉ định.
* Viêm tụy hoặc tiền sử viêm tụy kèm tăng triglycerid huyết nặng.
* Hiện có hoặc có tiền sử bệnh gan nặng làm cho các thông số chức năng gan không trở lại được bình thường.
* Hiện có hoặc có tiền sử u gan (lành tính hoặc ác tính).
* Đã biết rõ hoặc nghi ngờ u ác tính các cơ quan sinh dục hoặc vú, chịu ảnh hưởng của các steroid giới tính.
* Xuất huyết âm đạo chưa chẩn đoán ra nguyên nhân.
* Biết có thai hoặc nghi ngờ có thai.
* Tăng mẫn cảm với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào của NuvaRing.
CHÚ Ý ĐỀ PHÒNG VÀ THẬN TRỌNG LÚC DÙNG
Cảnh báo
Nếu có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào được nêu dưới đây, lợi ích của việc dùng NuvaRing cần được cân nhắc so với nguy cơ có thể xảy ra đối với từng người phụ nữ và phải bàn bạc với người phụ nữ trước khi quyết định dùng. Khi bị tăng nặng, kịch phát hoặc lần đầu xuất hiện bất kỳ các yếu tố nguy cơ này, người phụ nữ cần đến thầy thuốc để được khám. Khi đó, thầy thuốc cần quyết định xem có cần ngừng dùng NuvaRing không. Tất cả các số liệu trình bày dưới đây dựa vào tài liệu dịch tễ thu được khi dùng thuốc tránh thai phối hợp dạng uống (COC: combined oral contraceptive). Chưa có tài liệu dịch tễ của việc dùng đường âm đạo đối với các nội tiết, nhưng các cảnh báo này cũng có thể áp dụng khi dùng NuvaRing.
Rối loạn tuần hoàn
– Những nghiên cứu dịch tễ cho thấy có sự liên quan giữa dùng COC và nguy cơ huyết khối động mạch và tĩnh mạch, và các bệnh huyết khối nghẽn mạch như nhồi máu cơ tim, cơn đột quỵ, huyết khối tĩnh mạch sâu, và nghẽn mạch phổi. Những tai biến này hiếm khi xảy ra.
– Dùng bất kỳ thuốc tránh thai phối hợp dạng uống nào đều có nguy cơ tăng bệnh huyết khối nghẽn tĩnh mạch (VTE: venous thrombo-embolism) so với không dùng. Nguy cơ bệnh VTE cao nhất trong năm đầu tiên ở người nữ chưa từng dùng thuốc tránh thai phối hợp dạng uống. Sự tăng nguy cơ của bệnh VTE này vẫn thấp hơn nguy cơ VTE ở người mang thai, đã xác định là 6 trường hợp VTE cho 10 000 người mang thai. Bệnh VTE gây chết ở 1-2% các trường hợp.
Còn chưa biết NuvaRing ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ này so với các thuốc tránh thai nội tiết phối hợp khác.
– Cực kỳ hiếm là, bệnh huyết khối đã được báo cáo xảy ra ở các mạch máu khác, như động mạch và tĩnh mạch gan, mạc treo, thận, não hoặc võng mạc ở người dùng COC. Còn chưa có sự nhất trí xem các tai biến này xảy ra có phải là do dùng COC không.
– Các triệu chứng huyết khối tĩnh mạch và động mạch có thể bao gồm: đau và/hoặc sưng một bên chân bất thường; đau dữ dội đột ngột ở ngực, có hoặc không lan ra cánh tay trái; khó thở đột ngột; cơn ho đột ngột; đau đầu dữ dội kéo dài bất thường; thị lực đột ngột giảm một phần hoặc mất hoàn toàn; nhìn một hoá hai (song thị); nói líu lưỡi hoặc không nói được; chóng mặt; truỵ mạch có hoặc không kèm cơn động kinh ổ; người yếu hoặc tê rất nặng đột ngột ở một bên hoặc một phần cơ thể; rối loạn vận động; hội chứng bụng cấp.
– Nguy cơ huyết khối nghẽn tĩnh mạch tăng khi:
* Tuổi cao
* Có tiền sử gia đình (bệnh huyết khối nghẽn tĩnh mạch đã từng có ở anh chị em hoặc bố mẹ ở tuổi còn tương đối trẻ). Nếu nghi là có bẩm chất di truyền, người phụ nữ cần tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi quyết định dùng bất kỳ thuốc tránh thai nội tiết nào.
* Phải bất động kéo dài, phẫu thuật lớn, bất kỳ phẫu thuật nào ở chân hoặc chấn thương lớn. Trong những tình huống này, nên ngừng dùng (trong trường hợp phẫu thuật chương trình, ít nhất là 4 tuần trước đó) và chỉ được dùng lại 2 tuần sau khi đã vận động lại hoàn toàn.
* Người béo phì (chỉ số khối lượng cơ thể trên 30 kg/m2).
* và có thể với cả viêm tĩnh mạch huyết khối nông và giãn tĩnh mạch. Chưa có sự thống nhất về vai trò có thể có của những tình trạng này trong các nguyên nhân dẫn tới huyết khối tĩnh mạch.
– Nguy cơ biến chứng huyết khối nghẽn động mạch tăng khi:
* Tuổi cao
* Hút thuốc (hút thuốc càng nặng và tuổi càng cao thì nguy cơ càng tăng, đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi);
* Rối loạn lipoprotein huyết;
* Người béo phì (chỉ số khối lượng cơ thể trên 30 kg/m2);
* Tăng huyết áp;
* Đau nhức nửa đầu;
* Bệnh van tim;
* Rung nhĩ;
* Có tiền sử gia đình (bệnh huyết khối động mạch đã từng có ở anh chị em hoặc bố mẹ ở tuổi còn tương đối trẻ). Nếu nghi là có bẩm chất di truyền, người phụ nữ cần tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi quyết định dùng bất kỳ thuốc tránh thai nội tiết nào.
– Các yếu tố hóa sinh có thể là chỉ thị của bẩm chất di truyền hoặc mắc phải đối với huyết khối tĩnh mạch hoặc động mạch, bao gồm: có kháng Protein C hoạt hóa, tăng homocystein trong máu, thiếu antithrombin III, thiếu protein C, thiếu protein S, các kháng thể kháng phospholipid (kháng thể kháng cardiolipin, luput chống đông).
– Các bệnh khác cũng có liên quan đến tai biến tuần hoàn bao gồm đái tháo đường, luput ban đỏ toàn thân, hội chứng urê huyết do tan máu, và bệnh viêm ruột mạn tính (như bệnh Crohn’s hoặc viêm kết tràng có loét) và bệnh tế bào hình liềm.
– Cần chú ý đến nguy cơ huyết khối nghẽn mạch tăng trong khi sinh và hậu sản.
– Tần số và mức độ đau nửa đầu tăng khi dùng thuốc tránh thai nội tiết (có thể là tiền triệu của một tai biến mạch máu não) có thể là lý do cần ngừng dùng ngay thuốc tránh thai hormon.
– Khi xem xét giữa nguy cơ/lợi ích, thầy thuốc cần chú ý rằng, việc điều trị đúng có thể làm giảm nguy cơ huyết khối và rằng nguy cơ huyết khối do thai nghén còn cao hơn nguy cơ huyết khối phối hợp với dùng thuốc tránh thai nội tiết.
Các u
– Yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây ung thư cổ tử cung là nhiễm dai dẳng vi rút papilloma của người (HPV: human papilloma virus). Những nghiên cứu dịch tễ chỉ rằng dùng lâu dài COC góp phần làm tăng nguy cơ này, nhưng còn chưa chắc chắn về mức độ nguy cơ mà mức độ nguy cơ này có thể quy kết cho những yếu tố nhiễu, như tăng tầm soát ung thư cổ tử cung, và sự khác nhau về hành vi tình dục bao gồm cả dùng các biện pháp tránh thai bằng màng ngăn, hoặc có sự phối hợp nguyên nhân. Còn chưa biết rõ tác dụng này có liên quan đến NuvaRing như thế nào.
– Phân tích 54 nghiên cứu dịch tễ cho thấy nguy cơ tương đối hơi tăng (RR = 1,24) về ung thư vú được chẩn đoán ở phụ nữ hiện đang dùng COC. Nguy cơ cao này mất dần trong 10 năm sau khi ngừng dùng COC. Vì ung thư vú rất hiếm ở phụ nữ dưới 40 tuổi, nên số ung thư vú tăng ở người hiện đang dùng và mới ngừng dùng COC tương đối nhỏ so với nguy cơ chung về ung thư vú. Ung thư vú được chẩn đoán ở người đã từng dùng, có khuynh hướng tiến triển lâm sàng kém hơn ung thư được chẩn đoán ở người chưa từng dùng. Kiểu cách quan sát thấy nguy cơ tăng có thể là do đã chẩn đoán ung thư vú sớm hơn ở người dùng COC, hoặc do tác dụng sinh học của COC hoặc do kết hợp cả hai.
– Trong rất hiếm các trường hợp, u gan lành tính, và thậm chí còn hiếm hơn, u gan ác tính đã được báo cáo ở người dùng COC. Trong trường hợp đặc biệt, các u này có thể dẫn đến xuất huyết trong bụng đe dọa đến tính mạng. Do đó, u gan cần được coi như chẩn đoán phân biệt khi có đau vùng bụng trên nặng, gan to hoặc có dấu hiệu xuất huyết trong bụng xảy ra ở phụ nữ dùng NuvaRing.
Các trường hợp khác
– Phụ nữ tăng triglycerid huyết, hoặc có tiền sử gia đình tăng triglycerid huyết có thể bị tăng nguy cơ viêm tụy khi dùng thuốc tránh thai nội tiết.
– Mặc dầu huyết áp tăng nhẹ đã có báo cáo ở nhiều phụ nữ dùng thuốc tránh thai nội tiết, nhưng hiếm khi tăng có ý nghĩa lâm sàng. Mối tương quan chắc chắn giữa dùng thuốc tránh thai nội tiết và tăng huyết áp lâm sàng vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nếu thấy có tăng huyết áp có ý nghĩa lâm sàng phát triển trong khi dùng NuvaRing, thì thầy thuốc nên thận trọng cần ngừng dùng vòng và điều trị tăng huyết áp. Khi thấy phù hợp, có thể dùng NuvaRing trở lại nếu huyết áp trở về bình thường do điều trị tăng huyết áp.
– Những trường hợp sau đây đã được báo cáo là có thể xảy ra hoặc có ảnh hưởng xấu đến cả người có thai và trong thời gian dùng thuốc tránh thai nội tiết, nhưng bằng chứng có liên quan đến việc sử dụng vẫn chưa được kết luận: vàng da và/hoặc ngứa do ứ mật; sỏi mật; loạn chuyển hóa porphyrin; lupus ban đỏ toàn thân; hội chứng urê huyết do tan máu; múa giật Sydenham; Herpes thai nghén; giảm thính lực do xơ cứng tai; phù mạch (di truyền).
– Rối loạn chức năng gan cấp hoặc mạn tính có thể cần ngừng dùng NuvaRing cho đến khi các thông số về chức năng gan trở lại bình thường. Cần ngừng dùng vòng khi bị tái phát vàng da ứ mật và/hoặc ngứa do ứ mật đã từng xảy ra lần đầu tiên trong khi có thai hoặc dùng steroid sinh dục trước đây.
– Mặc dù các estrogen và progestagen có thể có tác dụng trên sự kháng insulin ngoại vi và sự dung nạp glucose, nhưng chưa có bằng chứng cần phải thay đổi phác đồ điều trị ở người đái tháo đường dùng thuốc tránh thai nội tiết. Tuy nhiên, phụ nữ đái tháo đường cần được theo dõi cẩn thận trong khi dùng NuvaRing, đặc biệt là trong những tháng dùng đầu tiên.
– Sự nặng thêm bệnh Crohn và viêm kết tràng có loét đã được báo cáo khi dùng thuốc tránh thai nội tiết.
– Nám da đôi khi có thể xảy ra, đặc biệt là ở phụ nữ có tiền sử nám da khi có thai. Phụ nữ có khuynh hướng nám da cần tránh tiếp xúc với mặt trời hoặc tia tử ngoại khi dùng NuvaRing.
– Nếu người nữ có một trong các tình trạng sau, có thể không thể đưa NuvaRing vào đúng hoặc có thể làm mất vòng: sa cổ tử cung, thoát vị bàng quang và/hoặc sa trực tràng, táo bón nặng hoặc mạn tính.
– Có báo cáo nhưng rất hiếm là trường hợp vô ý đưa NuvaRing vào niệu đạo, có thể lên đến bàng quang. Do đó, cần chú ý việc đặt không đúng vị trí khi chẩn đoán phân biệt trong trường hợp có triệu chứng viêm bàng quang.
– Trong khi dùng NuvaRing, người phụ nữ đôi khi có thể bị viêm âm đạo. Nhưng không thấy hiệu quả của NuvaRing bị ảnh hưởng bởi điều trị viêm âm đạo, cũng không thấy dùng NuvaRing ảnh hưởng đến điều trị viêm âm đạo.
– Có báo cáo nhưng rất hiếm trường hợp vòng dính vào mô âm đạo, cần lấy ra bởi cán bộ y tế.
Xét nghiệm/tư vấn y học
Trước khi bắt đầu dùng hoặc dùng lại NuvaRing, cần lấy bệnh sử y khoa đầy đủ (kể cả tiền sử y khoa gia đình) và phải loại trừ đang mang thai. Cần tiến hành đo huyết áp và khám thực thể theo định hướng các chống chỉ định và cảnh báo. Người phụ nữ cần được khuyến cáo đọc kỹ tờ hướng dẫn trong bao bì và phải theo đúng hướng dẫn. Tần số và bản chất các kiểm tra định kỳ tiếp theo cần dựa vào thực tế khám lâm sàng và phải phù hợp với mỗi người nữ.
Cần khuyến cáo để người nữ biết rằng NuvaRing không bảo vệ chống nhiễm HIV (AIDS) và các bệnh lây đường tình dục khác.
Giảm hiệu quả
Hiệu quả của NuvaRing có thể giảm trong trường hợp không tuân thủ (Mục Không tuân thủ phác đồ đã khuyên cáo), hoặc dùng cùng với thuốc khác (Mục Tương tác).
Kiểm soát chu kỳ kinh giảm
Ra máu không đều (thấm giọt hoặc xuất huyết) có thể xảy ra khi dùng NuvaRing. Nếu ra máu không đều xảy ra sau những chu kỳ kinh đều đặn trước đây, trong khi NuvaRing đã được dùng theo phác đồ đã khuyến cáo, cần phải chú ý đến nguyên nhân không phải do nội tiết, và cần có biện pháp chẩn đoán thích hợp để loại bỏ u ác tính hoặc có thai. Những trường hợp này có thể phải nạo bỏ.
Ở một vài phụ nữ, có thể không thấy máu ra trong thời gian không có vòng. Nếu NuvaRing đã được dùng theo hướng dẫn, không có khả năng người phụ nữ đã có thai. Tuy nhiên, nếu NuvaRing không được dùng đúng theo hướng dẫn trước khi không thấy kỳ kinh lần thứ nhất hoặc nếu hai kỳ kinh đều không thấy, khả năng có thai phải được loại trừ trước khi tiếp tục dùng NuvaRing.
Sự phơi nhiễm ethinylestradiol và etonogestrel cho nam
Mức độ và vai trò dược lý của ethinylestradiol và etonogestrel phơi nhiễm cho bạn tình nam qua dương vật còn chưa xác định.
Vòng bị gẫy
Đã có báo cáo nhưng rất hiếm NuvaRing bị rời ra trong khi dùng (xem Mục Tương tác). Vì lõi của NuvaRing rắn, nên vẫn giữ được nguyên vẹn và sự giải phóng nội tiết không bị ảnh hưởng có ý nghĩa. Trong trường hợp vòng bị rời ra, rất có thể xảy ra vòng bị đẩy ra ngoài (xem Mục Không tuân thủ phác đồ đã khuyên cáo "Làm gì nếu vòng nhất thời ra ngoài âm đạo". Nếu NuvaRing bị gẫy, người phụ nữ cần lấy vòng ra và thay bằng một vòng mới.
Sự đẩy vòng ra
NuvaRing đã được báo cáo là bị đẩy ra, ví dụ như nếu vòng đưa vào không thích hợp, trong khi lấy băng vệ sinh ra, trong khi giao hợp hoặc trong trường hợp bị táo bón kéo dài hoặc táo bón nặng. Do đó, người nữ cần có thói quen thường xuyên kiểm tra xem vòng có còn không. Nếu không may NuvaRing bị đẩy ra, người phụ nữ cần theo hướng dẫn đã ghi ở Mục Không tuân thủ phác đồ đã khuyên cáo "Làm gì nếu vòng nhất thời ra ngoài âm đạo".
Ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc
Căn cứ vào dược lực học, thì NuvaRing không có ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.
LÚC CÓ THAI VÀ LÚC NUÔI CON BÚ
Không được dùng NuvaRing trong khi mang thai. Nếu xảy ra có thai mà NuvaRing vẫn ở trong âm đạo, phải lấy vòng ra ngay. Những nghiên cứu dịch tễ rộng rãi cho thấy, không tăng nguy cơ khuyết tật ở trẻ được sinh ra ở những người mẹ dùng thuốc viên tránh thai phối hợp dạng uống trước khi có thai, cũng không có tác dụng sinh quái thai khi vô ý dùng thuốc viên tránh thai phối hợp dạng uống trong giai đoạn sớm của thai kỳ. Mặc dù điều này có thể áp dụng cho tất cả các thuốc thuốc viên tránh thai phối hợp dạng uống, nhưng còn chưa rõ đối với trường hợp NuvaRing.
Nghiên cứu lâm sàng ở một số ít phụ nữ thấy rằng, mặc dù dùng trong âm đạo, nhưng nồng độ trong tử cung của các steroid tránh thai do dùng NuvaRing cũng tương tự như ở người dùng thuốc viên tránh thai phối hợp dạng uống. Chưa có báo cáo về kinh nghiệm lâm sàng của hậu quả mang thai do dùng NuvaRing.
Việc tiết sữa có thể bị ảnh hưởng bởi estrogen, vì thuốc có thể làm giảm số lượng và làm thay đổi thành phần của sữa. Do đó nói chung, chỉ khuyến cáo dùng NuvaRing cho người mẹ đã cai sữa hoàn toàn. Một lượng nhỏ steroid tránh thai và/hoặc các chất chuyển hóa của chúng có thể tiết vào sữa, nhưng không có bằng chứng có thể gây tác hại cho sức khoẻ của trẻ.
Tương tác thuốc:
Tương tác giữa các thuốc tránh thai nội tiết và các thuốc khác có thể dẫn đến ra máu và/hoặc không còn tác dụng tránh thai. Trong tài liệu đã có các báo cáo tương tác sau đây:
Sự chuyển hóa ở gan: Tương tác có thể xảy ra với các thuốc gây cảm ứng enzym microsom, gây ra tăng thanh thải hormon sinh dục (như phenytoin, phenobarbital, primidon, carbamazepin, rifampicin, và cũng có thể cả oxcarbazepin, topiramat, felbamat, ritonavir, griseofulvin và các sản phẩm có chứa St. John’s wort).
Người phụ nữ khi điều trị với bất kỳ loại nào trong các thuốc này cần tạm thời dùng thêm phương pháp màng ngăn cùng NuvaRing hoặc chọn một phương pháp tránh thai khác. Với các thuốc gây cảm ứng enzym microsom gan, nên dùng phương pháp màng ngăn trong thời gian đồng thời dùng thuốc và 28 ngày sau khi ngừng thuốc.
Nếu dùng thuốc đồng thời kéo dài quá 3 tuần của chu kỳ có vòng, cần đưa ngay vòng mới vào mà không có khoảng thời gian không có vòng như bình thường.
Thất bại tránh thai được cũng đã được báo cáo khi dùng kháng sinh, như các penicillin và các tetracyclin. Cơ chế của tác dụng này vẫn còn chưa biết rõ. Trong một nghiên cứu tương tác dược động học, uống amoxicillin (875 mg, ngày 2 lần) hoặc doxycyclin (200 mg vào ngày 1, tiếp theo mỗi ngày 100 mg) trong 10 ngày trong khi dùng NuvaRing không thấy ảnh hưởng có ý nghĩa đến dược động học của etonogestrel và ethinylestradiol. Phụ nữ khi dùng kháng sinh (trừ amoxicillin và doxycyclin) cần dùng phương pháp màng ngăn thêm 7 ngày sau khi ngừng thuốc. Nếu dùng thuốc đồng thời quá 3 tuần của chu kỳ có vòng, cần đưa ngay một vòng mới vào mà không có khoảng thời gian không có vòng như bình thường.
Dựa vào nghiên cứu dược động học, các thuốc kháng nấm và diệt tinh trùng dùng đường âm đạo không có khuynh hướng ảnh hưởng đến hiệu quả tránh thai và an toàn của NuvaRing. Trong khi dùng đồng thời viên thuốc trứng kháng nấm, cơ hội vòng bị gẫy có cao hơn đôi chút (xem Mục Vòng bị gẫy).
Thuốc tránh thai nội tiết có thể can thiệp vào chuyển hoá của các thuốc khác. Vì thế, nồng độ trong huyết tương và mô có thể tăng (như ciclosporin) hoặc giảm (như lamotrigin).
Việc hướng dẫn kê đơn dùng thuốc đồng thời cần phải tra cứu để xác định các tương tác.
Các xét nghiệm
Dùng các steroid tránh thai có thể ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm, kể cả các thông số hóa sinh của chức năng gan, tuyến giáp, thận và thượng thận, hàm lượng trong huyết tương của các protein mang (như globulin liên kết corticosteroid, globulin liên kết hormon giới tính), các thành phần của lipid/lipoprotein, các thông số chuyển hóa carbohydrat và các thông số đông máu và tiêu fibrin. Những thay đổi này thường vẫn trong phạm vi giới hạn bình thường.
Tương tác với băng vệ sinh dùng trong âm đạo
Những nghiên cứu dược động học chỉ rằng, dùng băng vệ sinh không có tác dụng trên sự hấp thu vào cơ thể của các hormon do NuvaRing giải phóng ra. Rất hiếm trường hợp NuvaRing có thể bị đẩy ra trong khi tháo băng vệ sinh ra (xem hướng dẫn trong "Làm gi nếu vòng nhất thời ra ngoài âm đạo" ở mục Không tuân thủ phác đồ đã khuyên cáo).
LIỀU LƯỢNG VÀ CÁCH DÙNG
Cách dùng NuvaRing
Người phụ nữ có thể tự đưa NuvaRing vào âm đạo. Thầy thuốc cần hướng dẫn người phụ nữ cách đặt NuvaRing vào và cách lấy ra. Để đặt vào, người phụ nữ cần chọn một tư thế thích hợp nhất cho mình, ví dụ như đứng với một chân nâng cao, ngồi xổm hoặc nằm. NuvaRing cần được ép lại và đưa vào âm đạo chừng nào vẫn còn cảm thấy dễ chịu. Vị trí chính xác của NuvaRing trong âm đạo không đòi hỏi phải quá nghiêm ngặt mà vòng vẫn có tác dụng tránh thai.
Một khi NuvaRing đã được đặt vào (xem mục "Bắt đầu dùng NuvaRing như thế nào", cần để ở trong âm đạo liên tục 3 tuần. Cần tạo thói quen kiểm tra thường xuyên sự tồn tại của NuvaRing. Nếu không may NuvaRing bị đẩy ra, người phụ nữ cần làm theo hướng dẫn ở mục Không tuân thủ phác đồ đã khuyên cáo "Phải làm gì nếu vòng tạm thời bị ra ngoài âm đạo" (thông tin thêm, xem mục Sự đẩy vòng ra).
NuvaRing phải được lấy ra sau 3 tuần sử dụng vào cùng ngày của tuần mà vòng đã được đặt vào. Sau một tuần không có vòng, một vòng mới lại được đặt vào (ví dụ khi NuvaRing được đặt vào vào ngày Thứ tư khoảng 22.00 giờ, vòng cần được lấy ra vào Thứ tư sau đó 3 tuần cũng vào khoảng 22.00 giờ và Thứ tư tiếp sau đó, một vòng mới lại được đặt vào). NuvaRing có thể được lấy ra bằng cách móc ngón tay trỏ vào phía dưới của vòng hoặc bằng cách kẹp chặt vòng bằng ngón tay trỏ và ngón giữa và lôi ra. Vòng đã dùng cần cho vào túi (để ở nơi trẻ em và con vật nuôi quý không tiếp xúc được) và vứt bỏ như mô tả ở mục Thận trọng đặc biệt khi loại bỏ. Hành kinh thường bắt đầu 2-3 ngày sau khi lấy NuvaRing ra và có thể không hết hoàn toàn trước khi đặt vòng mới vào.
Cách bắt đầu dùng NuvaRing
Không dùng thuốc tránh thai có chứa nội tiết tố nào trong chu kỳ kinh trước đó
NuvaRing phải được đặt vào ngày thứ nhất của chu kỳ kinh tự nhiên của người phụ nữ (tức là ngày đầu tiên có kinh). Có thể bắt đầu vào ngày 2-5, nhưng trong chu kỳ đầu, phương pháp màng ngăn được khuyến cáo dùng thêm trong 7 ngày đầu dùng NuvaRing.
Chuyển từ biện pháp tránh thai chứa nội tiết tố phối hợp
Người phụ nữ cần đặt NuvaRing chậm nhất vào ngày ngay sau những ngày tạm nghỉ uống viên thuốc, tạm nghỉ dùng miếng dán hoặc ngay sau những ngày uống viên giả dược như hướng dẫn của biện pháp tránh thai chứa nội tiết phối hợp đang dùng.
Nếu người phụ nữ đã dùng phương pháp trước đây đều đặn và đúng hướng dẫn, và nếu chắc chắn không mang thai thì có thể chuyển đổi từ biện pháp tránh thai chứa nội tiết tố phối hợp trước đây vào bất kỳ ngày nào của chu kỳ kinh.
Khoảng thời gian không có nội tiết của phương pháp trước không bao giờ được vượt quá thời gian khuyến cáo.
Chuyển đổi từ một phương pháp chỉ dùng progestagen (viên tránh thai, que cấy hoặc thuốc tiêm) hoặc từ vòng đặt tử cung giải phóng progestagen (IUS: intrauterine system).
Người phụ nữ có thể chuyển sang dùng NuvaRing vào bất kỳ ngày nào của vỉ thuốc chỉ chứa progestagen (hoặc từ ngày rút que cấy hoặc tháo vòng đặt tử cung hoặc nếu là thuốc tiêm thì kể từ ngày cần tiêm liều tiếp theo), nhưng trong tất cả các trường hợp, cần dùng thêm phương pháp màng ngăn trong 7 ngày đầu tiên dùng NuvaRing.
Sau khi sảy thai ở ba tháng đầu thai kỳ
Người phụ nữ có thể bắt đầu sử dụng Nuvaring ngay lập tức mà không cần dùng thêm biện pháp tránh thai nào. Nếu chưa muốn dùng ngay, người phụ nữ cần theo hướng dẫn đối với "Không dùng thuốc tránh thai có chứa nội tiết tố nào trong chu kỳ kinh trước đó". Trong thời gian này, người phụ nữ cần dùng một phương pháp tránh thai khác.
Sau khi sinh con hoặc sảy thai ở ba tháng thứ hai của thai kỳ
Với phụ nữ đang cho con bú, xem mục Thai kỳ và cho con bú.
Nên khuyên người phụ nữ bắt đầu dùng Nuvaring vào tuần thứ tư sau khi sinh hoặc sảy thai ở ba tháng thứ hai của thai kỳ. Khi dùng muộn hơn, người phụ nữ cần dùng thêm phương pháp màng ngăn trong 7 ngày đầu tiên dùng NuvaRing. Tuy nhiên, nếu đã giao hợp, cần phải đảm bảo không mang thai hoặc người phụ nữ cần đợi đến khi có kinh trở lại trước khi bắt đầu dùng NuvaRing.
Không tuân thủ phác đồ đã khuyến cáo
Hiệu quả tránh thai và việc kiểm soát chu kỳ kinh có thể không đạt, nếu người phụ nữ thực hiện khác so với phác đồ đã khuyến cáo. Để tránh mất hiệu quả tránh thai trong trường hợp dùng không đúng, có thể đưa ra những lời khuyên sau:
* Làm gì trong trường hợp thời gian không có vòng kéo dài
Người nữ cần đặt vào một vòng mới càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Nhưng cần dùng thêm phương pháp màng ngăn như dùng bao cao su trong 7 ngày tiếp đó. Nếu việc giao hợp đã xảy ra trong thời gian không có vòng, nên xem xét khả năng mang thai. Khoảng thời gian không có vòng càng dài thì nguy cơ có thai càng cao.
* Làm gì nếu nhất thời vòng ra ngoài âm đạo
Cần để NuvaRing trong âm đạo liên tục trong 3 tuần. Nếu không may, vòng bị đẩy ra, có thể rửa vòng bằng nước mát hoặc ấm (không dùng nước nóng) và cần phải đặt vào ngay trở lại.
Nếu NuvaRing bị ra khỏi âm đạo chưa đến 3 giờ, hiệu quả tránh thai không bị giảm. Người phụ nữ cần đặt vòng trở lại càng sớm càng tốt, nhưng chậm nhất không quá 3 giờ.
Nếu NuvaRing đã ra khỏi âm đạo hoặc dự đoán đã ra khỏi âm đạo quá 3 giờ trong tuần thứ nhất và thứ hai, hiệu quả tránh thai có thể giảm. Người phụ nữ cần đặt lại vòng vào ngay khi nhớ ra. Phương pháp màng ngăn như bao cao su cần được dùng cho đến khi NuvaRing đã ở trong âm đạo được 7 ngày. Thời gian NuvaRing ra khỏi âm đạo càng dài và càng gần thời gian tháo vòng, thì nguy cơ có thai càng cao.
Nếu NuvaRing đã ra khỏi âm đạo hoặc dự đoán đã ra khỏi âm đạo quá 3 giờ trong tuần thứ ba của thời gian dùng ba tuần, hiệu quả tránh thai có thể giảm. Người phụ nữ cần bỏ vòng đó đi, và lựa chọn một trong 2 tình huống sau:
1. Đặt một vòng mới vào ngay
Ghi chú: Đặt một vòng mới vào tức là bắt đầu một giai đoạn dùng 3 tuần tiếp theo.
Người phụ nữ có thể không thấy ra máu từ chu kỳ kinh trước đó. Tuy nhiên, có thể thấy ra máu thấm giọt hoặc ra máu.
2. Để hành kinh xảy ra và đặt một vòng mới không chậm hơn 7 ngày (7×24 giờ) tính từ lúc vòng trước đây được lấy ra hoặc bị đẩy ra.
Ghi chú: Cách này chỉ được chọn nếu vòng đã được dùng liên tục trong 7 ngày trước đó.
Làm gì trong trường hợp vòng được để trong âm đạo quá thời gian khuyến cáo
Nếu NuvaRing được dùng tối đa đến 4 tuần, hiệu quả tránh thai vẫn đạt yêu cầu. Người phụ nữ có thể duy trì một tuần không có vòng và sau đó đặt một vòng mới vào. Nếu để NuvaRing trong âm đạo quá 4 tuần, hiệu quả tránh thai có thể giảm và khả năng có thai cần được loại trừ trước khi đặt vào một NuvaRing mới.
Nếu người nữ không tôn trọng triệt để phác đồ đã khuyến cáo và sau đó lại không thấy ra máu trong thời gian đã lấy vòng ra sau đó, cần loại trừ khả năng có thai trước khi đặt vào một vòng NuvaRing mới.
Cách dời ngày ra kinh hoặc làm chậm kỳ kinh
Để làm chậm kỳ kinh, người phụ nữ có thể đặt vào một vòng mới và bỏ qua thời gian không có vòng. Vòng này có thể dùng trong 3 tuần nữa. Người phụ nữ có thể thấy ra máu hoặc ra máu thấm giọt. Rồi việc dùng NuvaRing lại tiếp tục như bình thường như sau thời gian một tuần không có vòng.
Để dời ngày ra kinh sang một ngày khác trong tuần, có thể khuyên người phụ nữ rút ngắn khoảng thời gian không có vòng sắp tới bao nhiêu ngày tùy ý. Thời gian không có vòng càng ngắn, thì nguy cơ người nữ không thấy ra máu trong thời gian không có vòng càng cao và sẽ thấy ra máu hoặc ra máu thấm giọt trong thời gian dùng vòng kế tiếp.
Quá liều:
Chưa thấy có báo cáo về tác dụng độc hại nghiêm trọng do quá liều thuốc tránh thai nội tiết. Các triệu chứng có thể xảy ra trong trường hợp này là buồn nôn, nôn và, ở các cô gái trẻ, xuất huyết tử cung nhẹ. Chưa có thuốc giải độc và cần điều trị triệu chứng.
Bảo quản:
Trước khi phân phối: để trong tủ lạnh (2-8oC).
Kể từ ngày phân phối đến 4 tháng sau hoặc đến hạn dùng, tính theo thời gian nào đến trước: không được bảo quản trên 30oC.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.