Bệnh tiểu đường là một tình trạng mãn tính và có khả năng đe dọa tính mạng khi cơ thể mất khả năng sản xuất insulin, hoặc sử dụng insulin kém hiểu quả dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao.
Có 2 loại bệnh tiểu đường chính là: Bệnh tiểu đường type 1 và Tiểu đường type 2
Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 phải tiêm insulin mỗi ngày
Theo thời gian, hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường type 2 sẽ cần thuốc điều trị tiểu đường để giúp kiểm soát mức đường huyết trong phạm vi mục tiêu. Khoảng 50-60% những người mắc tiểu đường type 2 cần tiêm insulin trong vòng 6-10 năm sau khi chẩn đoán.
Xem thêm: Khuyển cáo tầm soát bệnh tiểu đường
Tổng quan về vai trò của insulin
Insulin là một loại hormon mà cơ thể chúng ta tạo ra để giữ cho lường đường trong máu ở mức bình thường. Nó được tạo ra bởi các tế bào beta trong tuyến tụy. Công việc chính của insulin là chuyển glucose từ máu vào các tế bào của cơ thể để tạo ra năng lượng. Nếu bạn không có đủ insulin, glucose sẽ tích tụ trong máu thay vì đi vào tế bào để cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Với bệnh tiểu đường type 1: các tế bào của tuyến tụy ngưng sản xuất insulin và do đó, insulin phải được tiêm mỗi ngày để cung cấp năng lượng và duy trì sự sống.
Với bệnh tiểu đường type 2: cơ thể không tạo ra đủ insulin hoặc insulin được tạo ra không hoạt động tốt. Tiêm insulin đôi khi được chỉ định để kiểm soát lượng đường trong máu.
Phân loại insulin
Mỗi loại insulin hoạt động trong một khoảng thời gian cụ thể. Lượng thời gian này có thể bị ảnh hưởng bởi các hoạt động thể thao, chế độ ăn uống, bệnh tật, một số loại thuốc, cách bạn dùng hay nơi bạn tiêm.
Các loại insulin có thể được sản xuất bởi các công ty khác nhau như Lilly, novo nordisk, … Hãy chắc chắn rằng bạn sử dụng cùng một loại insulin một cách nhất quán. Nếu muốn thay đổi sản phẩm sử dụng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn hàm lượng sử dụng một cách tốt nhất.
Dạng insulin và biệt dược phổ biến | Thời gian khởi phát | Đỉnh | Thời gian hoạt động |
Tác dụng nhanh | |||
Insulin glulisine (Apidra) | 10-15 phút | 1-1.5 giờ | 3.5-5 giờ |
Insulin aspart (NovoRapid, Novolog) | 10-20 phút | 1-1.5 giờ | 3-5 giờ |
Insulin lispro (Humalog) | 10-15 phút | 1-2 giờ | 3-4,75 giờ |
Tác dụng ngắn | |||
Velosulin | 30-60 phút | 1-2 giờ | 2-3 giờ |
Regular (R), novolin | 30-60 phút | 2-5 giờ | 5-8 giờ |
Tác dụng trung bình | |||
insulin NPH (Humulin N) | 1-3 giờ | 5-8 giờ | lên đến 18 giờ |
Tác dụng kéo dài | |||
insulin glargine (Basaglar, Lantus) | 1,5 giờ | không có thời gian đỉnh | 20-24 giờ |
insulin detemir (Levemir) | 1-2 giờ | không có thời gian đỉnh | 16-24 giờ |
insulin degulec (Tresiba) | 30-90 phút | không có thời gian đỉnh | 42 giờ |
Hỗn hợp | |||
Mixtard 30/70 | 30 phút | 2-8 giờ | 24 giờ |
NovoMix 30 | 10-20 phút | 1-4 giờ | 24 giờ |
Humalog Mix 75/25 | 15 phút | 0,5-2,5 giờ | 16-20 giờ |
Humulin 70/30 | 30 phút | 2-4 giờ | 14-24 giờ |
Insulin tác dụng nhanh
- Insulin tác dụng nhanh hoạt động trong một khoảng thời gian ngắn và có tác dụng tức thì. Vì vậy chúng thường được sử dụng trước khi bắt đầu bữa ăn, người bệnh cần ăn ngay sau khi tiêm insulin.
- Loại insulin tác dụng nhanh hoạt động giống như insulin được sản xuất bởi tuyến tụy của con người. Nó nhanh chóng làm giảm lượng đường trong máu và hoạt động trong thời gian ngắn.
- Một số chế phẩm insulin tác dụng nhanh thường được sử dụng: Humalog (của Lilly), NovoRapid (của novo nordisk), Apidra (của Sanofi)
Insulin tác dụng ngắn
- Insulin tác dụng ngắn thường được sử dụng trước bữa ăn 30-60 phút để insulin có thời gian phát huy tác dụng.
- Những loại insulin lỏng này trong suốt và không lắng xuống khi đặt chai (lọ) trong một thời gian.
- Một số chế phẩm insulin tác dụng ngắn như: Regular (R), Velosulin (insulin dùng trong bơm insulin)
Insulin tác dụng trung bình
Insulin tác dụng trung bình và tác dụng kéo dài thường được gọi là insulin nền hoặc insulin cơ bản. Loại này đảm bảo lượng insulin cần cho nửa ngày hoặc dùng qua đêm, thường được phối hợp với insulin tác dụng nhanh, hoặc insulin tác dụng ngắn.
Insulin tác dụng kéo dài
- Loại insulin này thường không có thời gian đỉnh, insulin được tiết một mức hằng định và đảm bảo lượng insulin cho cả ngày.
- Một số chế phẩm thường dùng: Basaglar, Lantus, Levemir, Tresiba
Insulin hỗn hợp
Insulin hỗn hợp chứa sự kết hợp trộn sẵn của insulin tác dụng ngắn và insulin tác dụng trung bình.
- Insulin tác dụng nhanh + insulin tác dụng trung bình: NovoMix 30, Humalog Mix 25, Humalog Mix 50
- Insulin tác dụng nhanh + insulin tác dụng kéo dài: Ryzodeg 70/30
- Insulin tác dụng ngắn + insulin tác dụng trung bình: Mixtard 30/70, Mixtard 50/50, Humulin 30/70
Các vị trí tiêm insulin
- Insulin thường được sử dụng tiêm dưới da. Người bệnh không nên tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch, vì điều này làm thay đổi tốc độ hấp thụ và hoạt động của insulin.
- Sự hấp thụ insulin cũng khác nhay tùy thuốc vào nơi nó được tiêm vào cơ thể. Người bệnh có thể tiêm vào bụng, bắp tay, đùi, mông (Vùng bụng là nơi hấp thụ insulin nhanh và được nhiều người sử dụng nhất)
Lưu ý: không nên tiêm cùng một vị trí nhiều lần, có thể gây loạn dưỡng mỡ nơi tiêm, hoặc vùng dưới da trở nên sần sùi.
Cách bảo quản insulin
- Bảo quản sản phẩm chứa insulin chưa mở ở ngăn mát tủ lạnh (2-8oC). Không để insulin đóng băng và không sử dụng nếu bị đóng băng.
- Sau khi mở, giữ nó ở nhiệt độ phòng không quá 1 tháng, tránh ánh sáng trực tiếp.
Không sử dụng insulin nếu:
- insulin chuyển sang màu đục, hết hạn, hoặc bị đóng băng, hoặc tiếp xúc với nhiệt độ cao.
Xem thêm: Dấu hiệu của bệnh Tiểu Đường
Kết luận
Khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc ngưng sản xuất insulin, lượng đường trong máu cao sẽ dấn đến bệnh tiểu đường. Hiện nay, đã có rất nhiều loại insulin thuộc nhiều hãng khác nhau để có thể đưa đến cho người bệnh sản phẩm phù hợp. Điều quan trọng trong việc kiểm quát đường huyết ngoài việc sử dụng insulin và thuốc điều trị tiểu đường đó là người bệnh cần có một chế độ luyện tập và ăn uống khoa học, hợp lý. Như vậy thì quá trình điều trị và sức khỏe mới được cải thiện một cách rõ rệt.