Thần kinh

Khái niệm cơ bản về bệnh tiểu đường?

Từ lâu Đái tháo đường (Tiểu đường) đã được coi là một bệnh cần được quan tâm nhiều hơn bởi tỉ lệ mắc tiểu đường ngày càng gia tăng. Khi bệnh Đái tháo đường không được phát hiện sớm và không được kiểm soát thì sức khỏe của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Tăng glucose máu mạn tính sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu. Vì vậy, chúng ta cần quan tâm đến việc tầm soát bệnh tiểu đường để giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong.

Khái niệm về Đái Tháo Đường
Kiểm soát đường huyết – Cải thiện chất lượng cuộc sống

Vậy Đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường là bệnh lý chuyển hóa đặc trưng bởi tăng glucose máu do khiếm khuyết tiết insulin, hoặc khiếm khuyết hoạt động của insulin, hoặc cả hai.

Cơ thể chúng ta phân hủy hầu hết thức ăn thành đường (glucose) và giải phóng nó vào máu, Khi lượng đường trong máu tăng cao, cơ thế báo hiệu tuyến tụy giải phóng insulin. Insulin hoạt động giống như chìa khóa đưa đường trong máu vào các tế bào của cơ thể để sử dụng làm năng lượng.

Với bệnh tiểu đường, cơ thể bạn không tạo ra đủ insulin hoặc không thể sử dụng hiệu quả như người bình thường. Khi không có đủ insulin hoặc các tế bào ngưng phản ứng với insulin, sẽ có quá nhiều đường huyết tồn tại trong máu. Theo thời gian, điều đó có thể gây ra các bệnh khác như bệnh tim, giảm thị lực, bệnh thận,…

Chẩn đoán tiền đái tháo đường theo ADA 2013 (Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kì)

  • Rối loạn đường huyết lúc đói: đường huyết lúc đói trong khoảng 100-125 mg/dL
  • Rối loạn dung nạp glucose: đường huyết 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose trong khoảng 140-199 mg/dL
  • Gồm cả 2 rối loạn đường huyết đói và rối loạn dung nạp glucose.
  • HbA1c trong khoảng 5.7 – 6.4%

Chẩn đoán ĐTĐ theo ADA 2010:

  • HbA1c ≥ 6.5%
  • Đường huyết đói ≥ 126mg/dL
  • Đường huyết 2 giờ đầu nghiệm pháp dung nạp glucose ≥ 200mg/dL
  • Kết hợp với nhiều triệu chứng 4 nhiều điển hình: tiểu nhiều, khát nhiều, ăn nhiều, gầy nhiều.

Phân loại ĐTĐ theo ADA 2013

Đái tháo đường Tuýp 1: hủy tế bào beta TT, thiếu insulin tuyệt đối

Khởi đầu tuổi trẻ < 40 tuổi. Khoảng 5-10% những người mắc bệnh tiểu đường thuộc tuýp 1. Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp1 thường phát triển nhanh chóng. Bệnh tiểu đường loại 1 cần dùng insulin mỗi ngày, ví dụ như insulin tác dụng ngắn, insulin tác dụng dài, …

Yếu tố tham gia vào quá trình sinh bệnh ĐTĐ típ 1:

  • Yếu tố môi trường. Đây là yếu tố liên quan nhiều đến bệnh sinh Đái Tháo Đường típ 1 như hậu quả của sự nhiễm trùng (quai bị, rubella, …). Nhiễm độc (hydrogen cyaninde từ bột sắn hư hỏng) gây tổn thương tụy.
  • Miễn dịch dich thể: kháng thể lưu hành chống lại tế bào ở đảo tụy (GAD65, ICA, IAA, IA-2), được tìm thấy ở phần lớn bệnh nhân ngay lúc chẩn đoán (60-90%) sau đó sẽ giảm dần.
  • Miễn dịch tế bào.

Đái tháo đường Tuýp 2: chủ yếu do tình trạng đề kháng insulin (chiếm 95%)

Với tiểu đường loại 2, cơ thể bạn không sử dụng tốt insulin và không thể giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường. Khoảng 90-95% bệnh nhân tiểu đường thuộc tuýp 2 .

Yếu tố tham gia vào quá trình sinh bệnh ĐTĐ típ 2:

  • Yếu tố di truyền có yếu tố gia đình rõ.
  • Đối tượng tuổi cao, béo phì, lối sống không lành mạnh dễ làm gia tăng sự đề kháng với insullin tại mô đích dẫn đến ĐTĐ típ 2.

Những người có nguy cơ bị ĐTĐ típ 2 bao gồm:

  • Người lớn tuổi, ít hoạt động thể lực, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, người béo phì
  • Tiền sử trong gia đình có người thân cùng trực hệ bị đái tháo đường
  • Tiền sử đái tháo đường thai kì
  • Thuộc một số nhóm chủng tộc có nguy cơ cao mắc đái tháo đường như: người gốc Phi, người Mỹ bản địa, Latinh, Châu Á.

Đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường được chẩn đoán lần đầu tiên trong thời kì mang thai bằng nghiệm pháp dung nạp glucose vào tuần 24-28

Dấu hiệu của ĐTĐ thai kì là tình trạng đề kháng insullin nổi lên trong tam cá nguyệt thứ hai (13-27)

Bình thường, đề kháng insullin ở thai phụ được cho là để đảm bảo đủ glucose cho sự phát triển của tế bào thai, khi không thể bù đắp bằng tăng sản xuất insullin từ tế bào Beta tụy thì sẽ dấn đến Đái tháo đường thai kỳ.

Các típ khác: ĐTĐ do thuốc, hóa chất, do bệnh tụy ngoại tiết, ĐTĐ do khiếm khuyết gen quy định chức năng tế bào beta…

Dấu hiệu và biến chứng của bệnh Đái tháo đường

Những người có dấu hiệu bệnh Đái tháo đường thường có 4 triệu chứng “nhiều” sau:

  • Ăn nhiều
  • Tiểu nhiều
  • Uống nhiều (khát)
  • Gầy nhiều, suy kiệt nặng.
Dấu hiệu của Đái Tháo Đường

Gây ra những biến chứng mạn tính:

  • Biến chứng mạch máu nhỏ: bệnh lý võng mạc (nguyên nhân chính gây mù), bệnh thận, bệnh lý thần kinh…
  • Biến chứng mạch máu lớn: tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu lớn (gây thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, viêm xương, …)
  • Biến chứng bàn chân ĐTĐ: mức độ nhẹ ( loét bề mặt nông), mức độ vừa (loét bề mặt sâu hơn), mức độ nặng (loét sâu).

Phòng ngừa và điều trị bệnh Đái Tháo Đường

Hiện nay vẫn chưa có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường. Những điều bạn có thể làm để giúp đỡ:

  • Uống thuốc theo đúng chỉ định
  • Nhận giáo dục và hỗ trợ tự quản lí bệnh tiểu đường
  • Thực hiện và giữ các cuộc hẹn chăm sóc sức khỏe theo định kỳ.

Tóm lại

Bệnh Đái tháo đường có thể được kiểm soát thành công, đặc biệt là khi được phát hiện sớm. Và tốt hơn hết, nó có thể được ngăn ngừa thông qua việc thay đổi môi trường sống, kiên trì trong mỗi bữa ăn, bạn hãy giảm tiêu thụ thịt như một chiến lược để ngăn ngừa bệnh Đái tháo đường, đừng để bản thân và những người xung quanh bị Béo phì bỏi béo phì sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh.

Vì những lí do này, việc kiểm soát bản thân trong lối sống hàng ngày là cách tốt nhất để có một cơ thể khỏe mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *